Sản xuất Trò_chơi_thi_đấu_liên_tỉnh

Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ về quá trình hình thành Trò chơi liên tỉnh trong chương trình Ký ức vui vẻ, tập 11 mùa 1:

Năm 1995, vì làm nhiều, tôi bị ốm phải nằm nhà một tháng. Ông Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam gọi điện cho tôi hỏi thăm sức khỏe và nói: "Ông phải khỏe ngay, tôi đang cần ông sang Pháp để học một trò chơi vận động của Pháp để về làm. Cái này chỉ có ông mới làm được thôi". Tôi nhận lời và làm ngay, đó chính là chương trình Trò chơi liên tỉnh mà tôi làm sau này.[2]

Ông cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam cộng tác với một công ty truyền thông của nước ngoài để làm một chương trình game, khi đó chưa có một game nào cả.

"Khi đó chỉ cần tôi là một người dẫn chương trình ở đó thôi, còn toàn bộ ê-kíp là đạo diễn, quay phim, đạo cụ, mỹ thuật... tất tần tật là một dàn khoảng 20 người từ Pháp sang làm."

Thời điểm đó, ông vừa dẫn MC vừa điều khiển chương trình, "muốn lấy cảnh nào thì bảo quay phim lấy cảnh đó", khi ấy chưa có trợ lý MC giúp đỡ. Kinh phí cho mỗi số phát sóng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng thì thuê âm thanh, ánh sáng, địa điểm hết 3 triệu, giải thưởng cho các đội là 2 triệu, 5 triệu còn lại là chi phí cho ê-kíp sản xuất.[3]

Ê-kíp sản xuất

Đội ngũ sản xuất chương trình "Trò chơi liên tỉnh" phần lớn là người Pháp, hướng dẫn và chỉ đạo cho ê-kíp Việt Nam sản xuất. Mỗi tháng chương trình ghi hình liên tục 30 số. Nhiều trò chơi từ phiên bản gốc đã có dự định áp dụng vào phiên bản Việt nhưng đã phải loại bỏ do không phù hợp với sức khỏe và thể trạng của người Việt lúc ấy, hơn nữa là tâm lý đưa những trò chơi này trong cuộc sống đời thường lên truyền hình còn quá xa lạ. Dần dần, qua quá trình rút kinh nghiệm và tiếp thu những phản hồi, góp ý từ dư luận, nhóm sản xuất đã thay đổi nhiều trò chơi mới, đưa vào các trò chơi dân gian, đậm sắc thái dân tộc... đổi lại là những điều kiện khó khăn hơn với những tiết tấu cuốn hút, phức tạp hơn so với ban đầu.

Vì là trò chơi truyền hình mang nhiều yếu tố vận động nên ngôn ngữ của MC và trọng tài thường dưới dạng mệnh lệnh, lời dẫn hòa nhịp với tiết tấu sôi động của trò chơi để khán giả và người chơi cùng hòa mình vào tiết tấu sôi động, hấp dẫn. Có nhiều đoạn dẫn trò chơi mới, để tăng phần sinh động và dễ hiểu, MC cũng phải treo người lên dây cáp để minh họa luật chơi. Sự nhiệt tình, trẻ trung, hào hứng của người dẫn như vậy đã làm không khí của trò chơi trở nên gây cấn, sôi động và đầy tính quyết thắng.